fbpx

TỔNG QUAN THÁI NGUYÊN

Bất động sản công nghiệp đang trở thành tâm điểm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong bối cảnh nhu cầu về kho bãi và nhà xưởng tăng cao, Thái Nguyên được xem là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nhờ sự phát triển vượt bậc về hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực dồi dào và chính quyền năng động, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp. Có thể nói, Thái Nguyên đang hội tụ cả thiên thời – địa lợi – nhân hòa để bứt phá và phát triển bùng nổ trong thời gian tới, trở thành thủ phủ công nghiệp công nghệ cao của miền Bắc.

Vị trí chiến lược đầu tư – vệ tinh phát triển của thủ đô Hà Nội

Thái Nguyên - “trái tim” của vùng Đông Bắc
Thái Nguyên - “trái tim” của vùng Đông Bắc

Về địa lý, Thái Nguyên nắm giữ vị trí chiến lược, được coi như “trái tim” của vùng Đông Bắc, là một trong những trung tâm chính trị – kinh tế – xã hội của miền Bắc. Thái Nguyên cách sân bay quốc tế Nội Bài 50 km, cách trung tâm Hà Nội 75 km, cách biên giới Trung Quốc 150 km, và cách cảng Hải Phòng 176 km. Thái Nguyên là cửa ngõ giao lưu kinh tế – xã hội giữa vùng trung du miền núi với vùng đồng bằng Bắc Bộ, thông qua hệ thống đường bộ, đường sắt, đường sông hình rẻ quạt mà thành phố Thái Nguyên là đầu nút.

Tỉnh Thái Nguyên nằm trong quy hoạch vùng của thủ đô Hà Nội; phía Bắc tiếp giáp với tỉnh Bắc Kạn, phía Tây giáp với các tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, phía Đông giáp với các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang và phía Nam tiếp giáp với thủ đô Hà Nội. Thái Nguyên có diện tích tự nhiên 3.562 km², dân số trên 1,337 triệu người gồm 8 dân tộc cùng sinh sống; có 9 đơn vị hành chính, gồm 3 thành phố, và 6 huyện với 178 xã, phường, thị trấn.

Bên cạnh đó, Thái Nguyên có khí hậu ôn hòa, nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam, người dân thân thiện, cần cù, siêng năng, tình hình trật tự an ninh trên địa bàn tỉnh luôn được đảm bảo, sẽ giúp cho nhà đầu tư yên tâm đầu tư sản xuất và kinh doanh lâu dài. Đây là một lợi thế không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Hệ thống giao thông Và hạ tầng đồng bộ, hiện đại

Thái Nguyên có hệ thống giao thông thuận lợi kết nối với các địa phương và cửa khẩu Quốc tế, đường hàng không cách sân bay Nội Bài 50km, thời gian di chuyển khoảng 45 phút. Thời gian di chuyển từ khu vực phát triển phía Nam, huyện Phú Bình, thị xã Phổ Yên, thành phố Sông Công tới Sân bay khoảng 30 phút.

Thái Nguyên có hệ thống đường bộ với Quốc lộ 3 mới Hà Nội – Thái Nguyên có chiều dài 62 km. Quốc lộ 37 kết nối Bắc Giang – Thái Nguyên – Tuyên Quang. Quốc lộ 1B kết nối Thái Nguyên – Lạng Sơn. Đường Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội kết nối với các tỉnh trong khu vực Thái Nguyên – Bắc Giang – Tuyên Quang – Vĩnh Phúc rất thuận tiện.

Hệ thống đường sắt kết nối Thái Nguyên – Hà Nội – Hải Phòng – Lào Cai – Lạng Sơn và đường sắt Bắc Nam; Đường sông có cảng Đa Phúc kết nối với các tỉnh vùng Đồng Bằng sông Hồng và Cảng Hải Phòng.

Về hạ tầng tại Thái Nguyên, điện có 2 hệ thống (hệ thống điện lưới quốc gia và hệ thống điện mua từ Trung Quốc) đảm bảo công suất và chất lượng điện ổn định; trên địa bàn có 2 đơn vị cung cấp nước sạch (Công ty Cổ phần nước sạch Thái Nguyên và Nhà máy nước Yên Bình) đảm bảo nguồn cung cấp nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có đầy đủ các nhà mạng lớn như Viettel, Vinaphone, Mobifone… đáp ứng đầy đủ các nhu cầu kết nối thông tin liên lạc, kết nối internet với dung lượng lớn, đảm bảo thông suốt cho các nhà đầu tư. Tỉnh cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ với Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel) với mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, đô thị thông minh cho tỉnh Thái Nguyên, trong giai đoạn 2021-2025.

Kinh tế trên đà bứt tốc phát triển

Năm 2022, Thái Nguyên là đơn vị hành chính Việt Nam đông thứ 25 về số dân, xếp thứ 14 về Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), GRDP đạt 150.195 tỷ Đồng (tương ứng với 6,3 tỉ USD) đứng thứ 2 vùng Trung du và miền núi phía Bắc (sau tỉnh Bắc Giang), đứng thứ 6 vùng thủ đô sau Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Bắc Giang và Vĩnh Phúc. GRDP bình quân đầu người đạt 107 triệu đồng (tương ứng với 4.86 USD) đứng đầu vùng trung du và miền núi phía bắc, nằm trong top 12 tỉnh thành có GRDP đầu người cao nhất cả nước.

Thái Nguyên cũng là tỉnh duy nhất của khu vực trung du miền núi phía Bắc nằm trong Top 10 tỉnh thành phố có mức thu nhập bình quân đầu người GNI cao nhất cả nước năm 2020 (với 12.960 USD).

Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh Thái Nguyên đạt 8,59%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Năm 2019, tỷ lệ dân số sống ở thành thị của tỉnh đứng thứ 18 so với cả nước và đứng đầu trong số các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, đứng thứ hai trong vùng Thủ đô (chỉ sau Thành phố Hà Nội). Theo kết quả của tổng điều tra dân số nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê, Thái Nguyên là địa phương đứng thứ 3 cả nước về tỷ lệ sở hữu ô tô cá nhân trên hộ dân với tỷ lệ 10,3%, chỉ xếp sau Hà Nội và Đà Nẵng và đây cũng là tỉnh có tỉ lệ số hộ gia đình sử dụng điện thoại đứng thứ 3 cả nước, chỉ xếp sau Thành phố Hồ Chí Minh và Cà Mau.

Trung tâm đào tạo – y tế

Thái Nguyên là trung tâm đào tạo lớn của cả nước, hàng năm đào tạo trên 100 nghìn sinh viên có trình độ, tay nghề ở nhiều các lĩnh vực: Công nghiệp, điện tử, ngoại ngữ, cơ khí luyện kim… qua đó đáp ứng tốt nhất nhu cầu về nguồn lao động cho các nhà đầu tư.

Thái Nguyên còn là trung tâm vùng về y tế với trên 800 cơ sở khám chữa bệnh, trong đó có 24 bệnh viện (20 bệnh viện nhà nước quản lý và 4 bệnh viện ngoài nhà nước); 14 phòng khám đa khoa khu vực, 178 trạm y tế xã, phường; 30 trạm y tế của cơ quan, xí nghiệp, trường học và 547 cơ sở khám chữa bệnh và y tế khác với tổng số giường bệnh là 7.341 giường đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh cho Nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Chính quyền năng động – hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp

Trong những năm gần đây, các chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Thái Nguyên luôn được xếp thứ hạng cao trong toàn quốc. Điều đó cho thấy tính năng động của chính quyền, hướng đến cải cách hành chính hiệu quả, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh luôn được các cấp ủy Đảng và chính quyền quan tâm hàng đầu.

Năm 2022, Thái Nguyên xếp thứ 2 toàn quốc về Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), tăng 09 bậc so với năm 2021. Thái Nguyên đứng thứ 8/63 tỉnh, thành trong cả nước về chỉ số chuyển đổi số trong năm 2022, phát triển đồng đều trên cả ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Tỉnh Thái Nguyên luôn tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp, thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng, đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, giảm thiểu tối đa thời gian thực hiện các thủ tục so với quy định. Đồng thời, tỉnh cũng chủ động tổ chức các cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp với chính quyền các cấp, doanh nghiệp với ngân hàng để tháo gỡ khó khăn về thủ tục, về thuế. Điều này đã giúp cắt giảm ít nhất 40% thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế.

Thành phố công nghiệp hiện đại – thủ phủ FDI mới của miền Bắc

Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên là một trong những điểm sáng hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Lũy kế đến nay tổng số dự án vốn đầu tư trong nước (DDI) còn hiệu lực là 846 dự án với số vốn đăng ký trên 146.972 tỷ đồng; 175 dự án FDI còn hiệu lực với tổng mức đầu tư đăng ký đạt trên 10,78 tỷ USD.

Liên tiếp trong 7 năm trở lại đây, Thái Nguyên luôn nằm trong top 4 của cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI. Năm 2022, số dự án FDI của Thái Nguyên đứng đầu vùng Trung du miền núi phía Bắc và thứ 11/63 tỉnh thành trên cả nước. Quy mô trung bình mỗi dự án FDI đầu tư vào Thái Nguyên đạt khoảng 53, 04 triệu USD

Tính đến quý 1 năm 2023, tỉnh Thái Nguyên hiện có 22 cụm công nghiệp đã có chủ đầu tư hạ tầng với tổng vốn đầu tư hạ tầng là 6.650 tỷ đồng, các cụm công nghiệp hoạt động trên địa bàn thu hút được 65 dự án đầu tư, tổng vốn đầu tư đăng ký là 9.433 tỷ đồng.

Những năm qua, Thái Nguyên đã đón rất nhiều tập đoàn lớn “đổ bộ” vào tỉnh như: Tập đoàn Samsung, Dongwha, Hansol Electronics, Mani….

Ngoài ra, đã có nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Australia…đang quan tâm nghiên cứu đầu tư vào tỉnh, điều đó đã giúp cho tỉnh Thái Nguyên có những bước chuyển mình mạnh mẽ về thu hút đầu tư, dần chuyển mình trở thành thủ phủ FDI mới của miền Bắc.

Đặc biệt, số lượng các doanh nghiệp Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan vào Thái Nguyên gia tăng mạnh mẽ trong 3 năm qua, chủ yếu tập trung vào các ngành năng lượng mặt trời, điện tử và công nghiệp phụ trợ. Trong đó phải kể đến các tập đoàn lớn như DBG, Trina Solar, Sunny Opotech, cùng nhiều doanh nghiệp khác.

Không chỉ vậy, sau khoảng thời gian vận hành và phát triển tại Thái Nguyên, các tập đoàn lớn đã tiếp tục tin tưởng và liên tục gia tăng vốn đầu tư tại tỉnh. Vừa qua, tập đoàn Samsung đã đầu tư thêm 920 triệu đô la Mỹ để mở rộng nhà máy sản xuất linh kiện điện tử, tập đoàn Sunny Opotech nâng tổng vốn lên 2,5 tỷ đô la Mỹ để xây dựng nhà máy sản xuất ống kính camera và các thiết bị quang học. Qua đó có thể thấy, môi trường đầu tư của Thái Nguyên thực sự an toàn và có sức hút lớn với các doanh nghiệp quốc tế.

Định hướng phát triển trong tương lai của Thái Nguyên theo quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là phát triển và mở rộng 11 khu công nghiệp và 1 khu công nghệ thông tin tập trung với tổng diện tích 4.245ha, 41 cụm công nghiệp , với tổng diện tích 2.067ha, 13 sân golf và hạ tầng để trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp công nghệ cao hàng đầu cả nước.

Dư địa và tiềm năng phát triển vượt bậc

Theo các báo cáo nghiên cứu thị trường tại Việt Nam, Thái Nguyên đang ở trong thời điểm tốt nhất để đầu tư về bất động sản công nghiệp. Tỉnh nắm giữ nhiều tiềm năng phát triển để có những bứt phá vượt bậc trong 10 năm tới.

Thái Nguyên tăng cường phát triển hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài
Thái Nguyên tăng cường phát triển hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài
  • Thứ nhất, Thái Nguyên nằm trong vùng vệ tinh công nghiệp của Hà Nội, giúp các doanh nghiệp có lợi thế về giao thông và vận chuyển hàng hóa. Hệ thống giao thông của tỉnh ngày càng đồng bộ, hiện đại với các tuyến đường liên tục mở rộng, kết nối trực tiếp và nhanh chóng đến các trung tâm kinh tế, công nghiệp lân cận.

  • Thứ hai, so với các tỉnh công nghiệp lân cận với quỹ đất ngày càng hạn chế, Thái Nguyên còn nhiều dư địa phát triển hơn với quỹ đất rộng và giá cả hợp lý, chất lượng cao. Trong năm 2022, giá thuê đất công nghiệp tại Thái Nguyên dao động từ $80-110/m², giá thuê nhà xưởng xây sẵn $3.5 – $4.8/ m². Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng cho các ngành công nghệ kỹ thuật trên địa bản tỉnh cũng ngày một hoàn thiện. Ngành nghề công nghiệp đang phát triển mạnh mẽ tại Thái Nguyên gồm có: năng lượng mặt trời, điện tử, linh kiện điện tử, cơ khí và công nghiệp phụ trợ

  • Thứ ba, Thái Nguyên sở hữu lực lượng lao động dồi dào, với khoảng 760.000 người trong độ tuổi lao động, trong đó lao động dưới 35 tuổi chiếm khoảng 58%. Lương tối thiểu vùng đang ở mức thấp, đơn cử như huyện Phú Bình nằm ở vùng 3 là 3.640.000 VNĐ/tháng (tương đương $155/ tháng).

Song song với đó, Thái Nguyên rất quan tâm giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất thu hút nhà đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để trải thảm đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tỉnh Thái Nguyên cam kết khi các nhà đầu tư đến với Thái Nguyên sẽ được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi tốt nhất của Nhà nước Việt Nam về thu hút đầu tư, cũng như các cơ chế hỗ trợ riêng của tỉnh Thái Nguyên đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn, sử dụng nguồn lao động nhiều, sử dụng đất đai hợp lý, bảo vệ môi trường hài hòa, tăng trưởng ổn định, bền vững.

ĐẦU TƯ TẠI VIỆT NAM

Lộ trình đầu tư và thiết lập nhà máy sản xuất tại Việt Nam

NẾU BẠN CÓ THẮC MẮC GÌ?
VUI LÒNG LIÊN HỆ CHÚNG TÔI!




    * required


    Copyright 2023 © LE MONT INVESTMENT JSC – INDUSTRIAL DEVELOPMENT