Tính đến cuối tháng 2 năm nay, dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn cho thấy những tín hiệu tích cực khi đạt gần 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, Việt Nam vẫn cần tăng cường tháo gỡ những nút thắt về lao động, năng lượng, pháp lý và logistics để cải thiện môi trường kinh doanh cho các nhà đầu tư quốc tế.
Những nút thắt của các nhà đầu tư ngoại
Theo một khảo sát mới đây của AmCham (Hiệp hội thương mại Mỹ) tại Trung Quốc, 60% công ty Mỹ đang ngày càng quan ngại về những căng thẳng song phương và hơn 40% đã phản hồi rằng họ đang tìm cách gia tăng đầu tư nhằm củng cố sự vững vàng cho chuỗi cung ứng. Trên 50% cho biết đối với họ, Đông Nam Á vẫn là điểm đến hàng đầu để chuyển hướng đầu tư từ Trung Quốc.
Mặt khác, khảo sát từ EuroCham (Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu) cũng cho thấy, các công ty châu âu đang hoạt động ở Trung Quốc sẽ còn tiếp tục xem xét chiến lược chuỗi cung ứng của họ với ASEAN, vì đây vốn được chọn là điểm đến hàng đầu cho những chiến lược chuyển dịch đầu tư.
Riêng tại Việt Nam, theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ kế hoạch và Đầu tư, 2 tháng đầu năm 2024, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 38 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 2,08 tỷ USD, chiếm 48,5% tổng vốn đầu tư, gấp hơn 2,1 lần so với cùng kỳ 2023; Hong Kong (Trung Quốc) đứng thứ hai với gần 525,7 triệu USD, chiếm 12,2% tổng vốn đầu tư, gấp gần 5,1 lần so với cùng kỳ; tiếp theo là Nhật Bản, Trung Quốc…
Dòng vốn FDI chảy vào 16 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 2,54 tỷ USD, chiếm 59,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 16,8% so với cùng kỳ; ngành hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 1,41 tỷ USD, chiếm 32,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, gấp hơn 3,5 lần so với cùng kỳ.
Dù đang đứng trước triển vọng từ thu hút FDI, song theo ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, Việt Nam cũng cần xác định các trở ngại, nút thắt trong thu hút đầu tư nước ngoài và cần tìm cách tháo gỡ.
Thứ nhất là chất lượng và khả năng tiếp cận nguồn lao động. Việt Nam cần liên tục cải thiện năng suất bởi vẫn đứng sau các nước lớn trong khu vực về năng suất lao động, với sản lượng mỗi giờ làm việc tương đối thấp. Số liệu từ Tổ chức Năng suất châu Á (APO) cho thấy, trong năm 2020, giá trị sản xuất mỗi giờ lao động của người Việt Nam chỉ đạt 6,4 USD, so với 14,8 USD ở Thái Lan và 68,5 USD ở Singapore.
Thứ hai là chỉ số hiệu quả logistics của Việt Nam tụt lại sau Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan với nhiều thiếu hụt trong năng lực logistics, thời gian giao hàng, khả năng truy xuất.
“Hạ tầng logistics tại Việt Nam không đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế và vận tải đường bộ chiếm tới 74% tổng các phương tiện vận tải. Trong khi đó nhu cầu lại nghiêng về vận tải đường biển và cảng biển để hỗ trợ cho xuất khẩu”, ông Tim Evans cho biết thêm.
Thứ ba là về môi trường pháp lý. Khảo sát HSBC Global Connection chỉ ra rằng các thay đổi về luật pháp là một trong hai thách thức lớn nhất với doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam. Trong đó, 30% công ty gặp khó khăn với việc thích nghi các chính sách và quy định thay đổi nhanh chóng.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu điện, mất điện cục bộ ở miền Bắc trong tháng 5, tháng 6 năm 2023 đã tạo ra những hiệu ứng tiêu cực cho môi trường kinh doanh của Việt Nam. Nếu tình trạng này không cải thiện, lặp lại vào năm 2024, có thể nhà đầu tư nước ngoài sẽ không chọn Việt Nam, hoặc thậm chí rời bỏ Việt Nam.
Ngoài tháo gỡ những nút thắt về thu hút FDI, theo ông Tim Evans, Việt Nam cần có chiến lược nhằm thu hút thêm FDI với khởi đầu bằng việc tìm hiểu và nắm bắt tình hình cạnh tranh giữa Việt Nam và các nước còn lại trong ASEAN.
Đơn cử như Singapore và Malaysia, đây là 2 thị trường Đông Nam Á đang dẫn đầu hệ sinh thái chất bán dẫn. Trong đó, Singapore là trung tâm về tấm bán dẫn và thiết bị chế tạo mạch và Malaysia là trung tâm đóng gói và kiểm thử.
Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhận định: “Việt Nam cũng đang dần dấn thân vào cả thị trường xe điện lẫn chất bán dẫn. Theo đó, Việt Nam cần hướng đến việc gia tăng tập trung vào hàng hóa giá trị cộng thêm cao, đồng thời vẫn tiếp tục giữ vững phong độ trong thu hút các nhà sản xuất điện tử lớn gia nhập thị trường. Bởi Việt Nam có lợi thế giá cả cạnh tranh, sự hỗ trợ của chính phủ ổn định và xuyên suốt, nhiều thỏa thuận FTA có hiệu lực và thái độ làm việc của người dân Việt Nam”.
Tháo gỡ những rào cản để thu hút đầu tư
Trước những phản hồi của doanh nghiệp nước ngoài, Việt Nam đã liên tục đưa ra các biện pháp để cải thiện môi trường đầu tư:
Đầu tư vào logistics
Trên toàn Việt Nam hiện có trên 75 trung tâm logistics. Ngành logistics Việt Nam tiếp tục ghi nhận những bước tiến đáng kể, với tốc độ tăng bình quân từ 14 – 16%/năm, quy mô 40-42 tỷ USD/năm. Một số trung tâm logistics hiện đại, áp dụng công nghệ tiên tiến và được tiêu chuẩn hóa đã đi vào hoạt động, như: Trung tâm logistics Hateco (TP Hà Nội), Trung tâm logistics HTM (Hải Phòng), Trung tâm logistics kho lạnh AJ Total (Long An). Ngoài ra, có nhiều trung tâm cũng đang trong quá trình xây dựng như Trung tâm logistics ICD Vĩnh Phúc do Liên danh Tập đoàn T&T (Việt Nam) và Tập đoàn YCH (Singapore) làm chủ đầu tư có tổng số vốn đầu tư gần 3.800 tỷ đồng, quy mô hơn 83ha, công suất thiết kế hàng hóa thông quan khoảng 530.000 TEU/năm.
Tăng cường nguồn cung cấp điện
Để đáp ứng nhu cầu năng lượng điện hoạt động cho chuỗi sản xuất thông minh, trong năm 2024 – 2025, Việt Nam sẽ hoàn thiện và triển khai Quy hoạch phát triển điện VIII. Việt Nam cũng sẽ áp dụng các hợp đồng mua bán điện trực tiếp để khuyến khích các nhà sản xuất năng lượng tái tạo, và phê duyệt kế hoạch thí điểm thực hiện cơ chế bán điện trực tiếp từ nhà sản xuất điện đến hộ tiêu thụ công nghiệp (DPPA).
Cải thiện thủ tục hành chính và thuế
Về vấn đề thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam, trước đây cần mất bảy thủ tục thì hiện tại chỉ cần hai thủ tục để thành lập doanh nghiệp.
Về thuế và phí, Chính phủ đã có quyết định về gia hạn nộp thuế và giảm thuế giá trị gia tăng. Điều này sẽ hỗ trợ phục hồi kinh doanh và kích thích nhu cầu của người tiêu dùng.
Chính phủ dự định sẽ rà soát chính sách visa đồng thời đơn giản hóa Bộ luật Lao động. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thủ tục giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Việt Nam, thu hút những tài năng đến Việt Nam.
Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cũng cần thực hiện thường xuyên công tác kiểm tra, đánh giá các dự án nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, bảo đảm các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế – xã hội; đồng thời phát hiện những tồn tại, khó khăn, vướng mắc để có giải pháp kịp thời tháo gỡ, kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý những vướng mắc, phát sinh đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình, dự án cho nhà đầu tư quốc tế.
Le Mont Xuan Phuong Industrial Cluster