Trong năm 2023, Việt Nam đón nhiều tập đoàn lớn của Đài Loan (Trung Quốc) đến xây dựng nhà máy, công xưởng. Điều đó cho thấy, bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn có có sức hút lớn và đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp Đài Loan đến đầu tư.
Nhà đầu tư FDI hàng đầu tại Việt Nam
Trong 2 tháng đầu năm 2023, Đài Loan đứng thứ hai về đầu tư FDI vào Việt Nam với gần 407,1 triệu USD, chiếm 13,1% tổng vốn đầu tư. Các dự án của Đài Loan chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng và bất động sản.
Điều này không bất ngờ khi Đài Loan có lịch sử đầu tư lâu dài tại Việt Nam suốt hơn 30 năm qua. Riêng trong năm 2022, Đài Loan đứng ở vị trí thứ 4 trong danh sách quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất tại Việt Nam theo Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư). Còn số liệu của Savills cho thấy, trong năm 2022, vốn FDI đăng ký mới vào lĩnh vực sản xuất từ Đài Loan đạt hơn 215 triệu USD, nâng tổng giá trị đầu tư của thị trường này vào Việt Nam lên hơn 1,35 tỷ USD.
Từ khi Việt Nam áp dụng chính sách mở cửa với FDI, chi phí lao động thấp là động lực quan trọng giúp thu hút các nhà sản xuất lớn của Đài Loan trong lĩnh vực may mặc và giày dép gia nhập thị trường. Thị trường bất động sản công nghiệp cũng ghi nhận nhiều dự án thành công được phát triển bởi các nhà đầu tư Đài Loan
Sức hút từ bất động sản công nghiệp
Ở thời điểm này, các nhà đầu tư thuộc nhóm ngành sản xuất, công nghiệp và quỹ đầu tư gia đình là những đơn vị thể hiện sự hứng thú đến thị trường Việt Nam ở nhiều lĩnh vực khác nhau, kéo theo sự quan tâm đặc biệt đến phân khúc bất động sản công nghiệp và thương mại.
Đơn cử, giữa tháng 2 vừa qua, gã khổng lồ Foxconn đã đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa chuỗi sản xuất ngoài Trung Quốc thông qua việc thuê thêm một khu đất 45 ha với giá trị đầu tư 62,5 triệu USD để mở nhà máy tại miền Bắc. Đây chính là những cơ hội cho ngành bất động sản công nghiệp Việt Nam.
Nguồn cung đất công nghiệp Việt Nam đã tăng nhanh trong những năm qua. Hiện nay, trên cả nước là 406 khu công nghệp, trong đó 361 dự án nằm ngoài khu kinh tế, 37 dự án thuộc các khu kinh tế và 8 dự án điện công nghiệp khác nằm trong khu kinh tế cửa khẩu.
Ông John Campbell, Phó giám đốc và Trưởng bộ phận Dịch vụ Công nghiệp của Savills Việt Nam, đã nhận định rằng mặc dù Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều thách thức trong vài năm qua, nhưng lĩnh vực công nghiệp vẫn đang tăng trưởng mạnh mẽ, bất chấp sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu. Để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi sang các ngành và dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn, Việt Nam cần nâng cấp các dự án cơ sở hạ tầng thêm đồng bộ và hiện đại hơn.
Trong khi đó, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, nguồn nhân lực và đổi mới khoa học kỹ thuật, sẽ là giải pháp và động lực để Việt Nam có một lực lượng lao động lành nghề, mạnh mẽ trong tương lai.
Theo: Reatimes
Le Mont Xuan Phuong Industrial Cluster