fbpx

Thái Nguyên định hướng trở thành thủ phủ công nghiệp thông minh hiện đại

Thái Nguyên sẽ phát triển và mở rộng 11 khu công nghiệp, 1 khu công nghệ thông tin tập trung, 41 cụm công nghiệp, 13 sân golf, phát triển hạ tầng…hướng đến trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp công nghệ cao hàng đầu cả nước.

Tâm điểm phát triển công nghiệp miền Bắc

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quyết định số 222/QĐ-TTg về quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quyết định nêu rõ, mục tiêu của quy hoạch là phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để đưa Thái Nguyên phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; xây dựng tỉnh bình yên, hạnh phúc, sung túc, thân thiện, trở thành một trong những địa phương phát triển ở miền Bắc.

Theo Quyết định, phạm vi, ranh giới lập quy hoạch tỉnh Thái Nguyên bao gồm toàn bộ tỉnh Thái Nguyên, với tổng diện tích tự nhiên là 352.196 ha, với 09 đơn vị hành chính gồm: 03 thành phố (Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên) và 06 huyện (Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương, Đông Hỷ, Đại Từ, Phú Bình).

Trong đó, thời kỳ 2021-2030, tỉnh Thái Nguyên phát triển – mở rộng 11 khu công nghiệp và 1 khu công nghệ thông tin tập trung; phát triển 41 cụm công nghiệp; quy hoạch các khu chức năng tổng hợp và nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, trong đó có 13 sân golf.

Về kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt khoảng 8% đến 8,5%/năm; quy mô kinh tế đạt khoảng 13,5 tỷ USD; tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 – 2030 khoảng 45 tỷ USD.

Đến năm 2025, Thái Nguyên sẽ trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh của Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và Vùng Thủ đô Hà Nội.

Đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu là một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao; trung tâm giáo dục-đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe; trung tâm du lịch; trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ; xây dựng TP.Thái Nguyên trở thành một cực tăng trưởng hạt nhân quan trọng đối với phát triển kinh tế của Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ và Vùng Thủ đô Hà Nội.

Tầm nhìn phát triển đến năm 2050, xây dựng tỉnh Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, xanh, thông minh, có bản sắc rõ ràng; là trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước; nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng.

Bứt tốc phát triển

Để thực hiện các mục tiêu trên, tỉnh Thái Nguyên đã đưa ra các giải pháp đột phá để phát triển kinh tế xã hội. Trong đó phải kể đến là tập trung phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực phía Nam của tỉnh, thực hiện quy hoạch tuyến cao tốc vành đai 5; nâng cấp, cải tạo các tuyến đường tỉnh hiện có và phát triển một số tuyến mới; cải tạo, nâng cấp, xây dựng 15 tuyến đường huyện lên đường tỉnh, quy mô tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp III, 2 làn xe…

Đồng thời, tỉnh cũng ưu tiên đầu tư giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đô thị, dịch vụ gắn kết với sự phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội.

Thái Nguyên đang triển khai những giải pháp về hạ tầng và giao thông để phát triển toàn diện
Thái Nguyên đang triển khai những giải pháp về hạ tầng và giao thông để phát triển toàn diện

Hệ thống cấp điện, cấp nước, thủy lợi an toàn, hiện đại, đồng bộ đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt. Kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đô thị, khu dân cư đảm bảo đồng bộ. Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông, hạ tầng số hiện đại, an toàn.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số; hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường.

Nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy hành chính công các cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp; tập trung nâng cao kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là đạo đức công vụ.

Quan tâm phát triển nguồn nhân lực địa phương, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; phát huy các lợi thế, thành quả, cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với tiềm năng, thế mạnh của các trường đại học, trung tâm nghiên cứu khoa học, y tế trên địa bàn tỉnh.

Có thể thấy, quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt sẽ mở ra nhiều cơ hội, động lực mới giúp khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế của tỉnh Thái Nguyên, hấp dẫn nguồn lực trong nước cũng như thu hút dòng vốn FDI ào ạt đổ về, tạo đòn bẩy tăng tưởng mạnh mẽ trong những năm tới.ß

Trả lời